Nhật Bản những năm đầu thế kỷ 20 hoàn toàn khác với Nhật Bản chúng ta biết ngày nay. Số lượng lớn những xung đột những năm 1930, thế lực của Nhật Bản tại khu vực Viễn đông ngày càng được mở rộng. Một trong những yếu tố xây dựng nên đế chế Nhật Bản ngày ấy là mối quan tâm của tầng lớp chỉ huy cấp cao đến việc cải tiến kỹ thuật quân sự.
Ai cũng biết nước Nhật rất chú trọng đến sự phát triển của dòng xe tăng thiết giáp. Họ bắt đầu nhập khẩu xe thiết giáp vào năm 1917 và đưa chúng ra tham chiến trong vòng chưa đến 10 năm. Chúng chủ yếu là tăng hạng trung và tăng hạng nhẹ có đủ hoả lực để tham chiến trên toàn bộ Trung Quốc hoặc các doanh trại đóng trên đảo (trong Thế chiến II) vốn không được trang bị vũ khí hạng nặng.
Thế nhưng, lịch sử xe thiết giáp của Nhật vẫn còn một trang chưa được khám phá – tăng hạng nặng. Thông tin về quá trình thiết kế loại xe thiết giáp này vô cùng mâu thuẫn và hạn chế. Dù vậy, vẫn có đủ thông tin để tạo nên một phần câu chuyện đáng để kể các bạn nghe.
Có một điều chắc chắn rằng: các kĩ sư của Nhật đã bắt đầu làm việc về tăng hạng nặng rất lâu trước khi Thế chiến II nổ ra. Nguyên mẫu đầu tiên được đặt tên là Type 91 hoặc 2591, bắt đầu được thiết kế từ năm 1930. Các kĩ sư đã dựa vào kinh nghiệm chế tạo tăng hạng trung Chi-I để chế tạo ra chiếc tăng hạng nặng đầu tiên. Tình cờ, Tomio Hara, người mà sau này trở thành kĩ sư xe thiết giáp nổi tiếng nhất Nhật Bản, chính là cựu thành viên của đội thiết kế dự án này.
Trước chiến tranh, các kĩ sư Nhật Bản đã phát triển và chế tạo hai loại tăng hạng nặng: Type 91 và Type 95. Cả hai loại đều không được sản xuất hàng loạt, cũng chưa bao giờ được chủ động đưa vào tham chiến.
Trọng lượng của Type 91 chỉ là 18 tấn; dựa theo tiêu chuẩn của Tây Âu hoặc Liên Xô lúc bấy giờ thì chiếc xe được xếp vào loại tăng hạng trung. Tuy nhiên, với trang bị pháo 70 mm, Type 91 lại được coi là một tăng hạng nặng. Bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ thiên về xe đa tháp pháo của Anh vào những năm 1930, các nhà thiết kế đã trang bị cho Type 91 ba tháp pháo dọc theo thân.
Chỉ một nguyên mẫu của Type 91 được sản xuất. Dù tạo được những ấn tượng rất tốt, chiếc tăng vẫn không được đưa vào sản xuất hàng loạt – yêu cầu cao của quân đội đòi hỏi một cuộc hiện đại hóa.
Chiếc tăng hạng nặng thứ hai và cũng là cuối cùng trước chiến tranh, Type 95, được đưa vào phục vụ quân đội Nhật năm 1935. Trong giai đoạn thiết kế chiếc tăng, các nhà thiết kế đặc biệt chú ý tới công nghệ mới cùng việc tăng cường hỏa lực. Ngoài khẩu pháo 70 mm với vận tốc họng pháo thấp và dường như được chủ định để đối phó với các công sự bảo vệ và nhân lực, cỗ xe tăng còn được trang bị thêm một nòng pháo 37 mm. Từ khoảng cách 300m, khẩu pháo có thể xuyên qua 30mm vỏ giáp. Với những nâng cấp này, Type 95 trở thành một đối thủ nguy hiểm cho hai loại tăng giáp mỏng của Soviet là T-26 và BT-7.
Tăng Type 95 của Nhật
Về trọng lượng, cỗ xe tăng mới này nặng hơn Type 91 27 tấn. Theo phân loại của Tây Âu và Liên Xô, chiếc tăng thiết giáp này là tăng hạng trung, nhưng người Nhật lại không nghĩ như vậy. Họ có đầy đủ lí do để nghĩ như vậy vì Type 95 không có đối thủ về giáp và vũ khí trong khu vực Viễn Đông thời điểm đó. Trong khi đó, quân đội lại có quan điểm trái ngược – họ rất ấn tượng với những tính năng chiến đấu của cỗ xe tăng tăng nhưng lại thất vọng vì tốc độ rùa bò do trọng lượng lớn của nó. Sau đó Type 95 được quyết định đưa vào sản xuất thử nghiệm với đơn đặt hàng được gửi tới Kho Vũ khí Quân đội Osaka. Số lượng tăng được sản xuất không được tiết lộ, nhưng theo một số nguồn tin, số lượng tổng cộng không quá 10 chiếc. Thông thường, Type 95 được sử dụng cho các đơn vị đào tạo trên lãnh thổ Nhật Bản. Nhưng vào năm 1938, rất nhiều tăng được gửi tới Trung Quốc và được sử dụng trong giai đoạn cuối của cuộc xung đột Trung-Nhật.
Nếu O-I được chế tạo, nó sẽ là cỗ xe tăng đỉnh cao của công nghệ thiết giáp Nhật Bản. Tuy nhiên, O-I thật sự là một cỗ xe tăng bí ẩn. Thông tin về loại tăng siêu nặng này rất mâu thuẫn và hạn chế. Chỉ có ba điều chắc chắn:
#1: Công cuộc chế tạo tăng siêu nặng bắt đầu sau khi Nhật thất bại trong Trận đánh ở Khalkhin Gol vào năm 1939.
#2: O-I là tên mà Quân đội Nhật Bản dùng để gọi cỗ xe tăng này. Công ty Mitsubishi-Heavy Industries (MHI) gọi cỗ xe tăng này là ‘Mi-To’, bởi vì nó được chế tạo tại Trung đoàn Máy móc Tokyo MHI. Nhưng vì công cuộc chế tạo chiếc tăng bị gián đoạn bởi cuộc chiến, O-I và Mi-To thường bị nhầm là hai dự án khác nhau, nhưng theo những tài liệu tìm thấy gần đây thì O-I và Mi-To chính là một.
#3: Tất cả các dự án tăng siêu nặng của Nhật đều sử dụng thiết kế ‘đa tháp pháo’.
Minh họa về cỗ xe tăng siêu nặng O-I hay còn gọi là Mi-To (nếu được sản xuất).
Công việc chế tạo O-I được tiến hành vô cùng bí mật, bản thiết kế của cỗ xe tăng được hoàn thành trong một căn phòng biệt lập trong doanh trại. Tất cả các bộ phận của Mitsubishi đều làm việc độc lập, họ không biết chính xác mình đang thiết kế cái gì và để làm gì bởi mỗi bộ phận chịu trách nhiệm một phần riêng của cỗ xe tăng. Chỉ có những nhà thiết kế trong căn phòng bí mật kia nắm được tất cả bởi họ là những người chịu trách nhiệm lắp ráp các phần lại với nhau.
Có rất nhiều thử thách kĩ thuật phải vượt qua trước khi hoàn thành cỗ xe tăng, nhưng dần dần mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Cùng với sự tiến triển của dự án, cỗ xe tăng trở nên to lớn hơn và nặng hơn; ở hình dạng nhỏ bé nhất nó đã nặng 100 tấn, và cuối cùng trở thành 150 tấn.
Tại sao Nhật Bản lại cần một con quái vật to lớn như vậy? Ban đầu, khi chiến tranh chưa đe dọa đến lãnh thổ của Nhật, những cỗ xe tăng này được dự định làm tăng tấn công. Nhưng cuối cùng mục đích sử dụng loại tăng này thay đổi. Vào năm 1944, vành đai phòng ngự của Nhật tại các đảo ở Thái Bình Dương bị chọc thủng. Một năm sau vào tháng Tư năm 1945, quân đội Mỹ chiếm Iwo Jima thành công. Không có gì phải nghi ngờ, quân xâm lược sẽ tiến vào bờ biển Nhật Bản. cỗ xe tăng siêu nặng được giao cho nhiệm vụ khác – đơn vị chiến đấu di động, dùng cho nhiệm vụ phòng thủ bờ biển.
Ban đầu, một bích kích pháo 150 mm được chọn để làm pháo chính, nhưng cuối cùng lại thay bằng hải pháo cỡ 100 – 150 mm. Hải pháo có tầm bắn tốt và hỏa lực đủ mạnh để tạo ra sát thương đáng kể cho tàu đổ bộ và bất cứ con tàu hộ tống nào. Đồng thời, vỏ giáp của cỗ xe tăng siêu nặng tạo ra che chắn an toàn đối với các vụ nổ và mảnh bom. Những ‘công sự bê tông’ đó chỉ có thể phá hủy bằng cách bắn trực tiếp, nhưng đây lại là một ưu thế khác của cỗ xe tăng, bởi hầu hết tàu chiến không có khả năng bắn chính xác mục tiêu ngắm bắn.
Thế nhưng, các kĩ sư Nhật đã dừng dự án O-I trước khi chiến tranh kết thúc. Phần thân tăng đã hoàn chỉnh, nhưng phần đầu máy gặp trục trặc và cỗ xe tăng đã không vượt qua được đợt kiểm tra thử nghiệm. Nếu được hoàn thiện, rất nhiều biến thể cùng nâng cấp sẽ được đề xuất, nhưng những phát triển về sau đối với cỗ xe tăng vẫn còn là một bí ẩn.